YVES SAINT LAURENT – Tượng đài thời trang cao cấp xa xỉ bậc nhất Thế giới

Nhắc đến Yves Saint Laurent hay YSL ắt hẳn ai cũng sẽ nghĩ tới thương hiệu hàng hiệu xa xỉ với những món hàng đắt đỏ trị giá hàng nghìn USD. Để đạt được những thành tựu như hôm nay, cùng tìm hiểu đôi nét về lịch sử hình thành và quá trình gây dựng danh tiếng sau hơn nửa thế kỷ.

Ý nghĩa logo thương hiệu

Logo thương hiệu Yves Saint Laurent

Logo YSL bao gồm 2 gam màu chủ đạo trắng và đen. Sắc trắng tượng trưng cho sự quyến rũ và tinh khiết của thương hiệu, trong khi màu đen phản ánh vẻ tinh tế và sang trọng.

Quá trình hình thành và phát triển

Yves Saint Laurent (YSL) là hãng thời trang cao cấp do Yves Saint Laurent và Pierre Bergé thành lập năm 1961. Yves Saint  Laurent được xem là một trong những nhà thời trang danh tiếng nhất thế giới. Hãng thời trang nổi tiếng với những thiết kế hiện đại và độc đáo như những kiểu áo khoác tuxedo của nữ.

Yves Saint Laurent

Vào tuổi 17 còn rất trẻ, chàng trai Yves Henri Donat Mathieu Saint Laurent đã chuyển từ Algeria sang Pháp để theo học Chambre Syndicale de la Haute Couture thuộc Liên đoàn Thời trang Pháp. Năm 1953, với hành trang sự nghiệp là 3 mẫu phác thảo tham dự cuộc thi dành cho các nhà thiết kế trẻ và đoạt giải nhất, Yves Saint Laurent đã tạo ấn tượng với giám đốc tạp chí Vogue – Michel de Brunhoff. Ngay sau đó, những bản phác thảo của ông được xuất bản ngay lập tức, đồng thời được ngài Michel de Brunhoff giới thiệu với nhà thiết kế lừng danh Christian Dior.

Với sự sáng tạo và đóng góp những bản phác thảo của mình cho những bộ sưu tập của nhà mốt và cuối cùng được xướng tên là người kế nhiệm Dior. Sự kiện Yves Saint Laurent rời khỏi Dior vào năm 1960 là yếu tố thúc đẩy thương hiệu cá nhân mang tên ông, kí hiệu là YSL, được ra đời vào năm 1961 cùng với người đồng sáng lập Pierre Bergé với quỹ đầu tư được cung cấp bởi triệu phú người Mỹ – J.Mark Robinson.

Năm 1993, thương hiệu Yves Saint Laurent được bán lại cho một công ty y dược là Sanofi.

Năm 1997, Pierre Bergé bầu chọn Hedi Slimane làm giám đốc nghệ thuật và thiết kế các bộ sưu tập cho hãng. Cũng trong năm này, họ mở lại dòng thời trang dành cho nam YSL Rive Gauche Homme. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau đó, Hedi Slimane quyết định rời khỏi YSL.

Năm 1999, Gucci mua lại Yves Saint Laurent và mời Tom Ford thiết kế dòng quần áo may sẵn, còn Yves Saint Laurent vẫn đảm nhận thiết kế các bộ sưu tập thời trang cao cấp.

Năm 2004, Stefano Pilati thay thế Tom Ford làm giám đốc dòng thời trang may sẵn với phong cách mang âm hưởng Pháp, kín đáo mà sang trọng khác với sự quyến rũ và gợi cảm mà Tom Ford theo đuổi trước đó.

Năm 2008, nhà thiết kế Yves Saint Laurent qua đời đã dẫn đến nhiều thăng trầm, khó khăn cho nhà mốt.

Năm 2012, Hedi Slimane được đề cử thay thế vào vị trí giám đốc sáng tạo của Stefano Pilati. Kể từ đây, công cuộc hồi sinh thương hiệu Yves Saint Laurent bắt đầu.

Năm 2017, Anthony Vaccarello trở thành giám đốc sáng tạo mới của Saint Laurent. Còn Hedi Slimane thì chuyển sang nhà mốt Celine.

Định hình phong cách YSL qua các thời kỳ

Thời kỳ của nhà sáng lập Yves Saint Laurent
Yves Saint Laurent nổi tiếng với những câu nói bất hủ như: “Chanel giải phóng phụ nữ còn tôi trao cho họ uy quyền” hay: “Tôi tạo ra tủ quần áo cho người phụ nữ hiện đại”

Những thập niên 60 – 70, Yves Saint Laurent cho ra mắt những xu hướng thời trang đình đám như Beatnik Look, safari jacket, giày bó, quần ống dành cho cả nam và nữ. Năm 1966, ông cho ra mắt bộ sưu tập Le Smoking huyền thoại với vest đen cổ điển dành cho nữ giới.

YSL là người khởi xướng cho xu hướng thời trang may sẵn (ready to wear), qua dòng sản phẩm Rive Gauche. Ông lấy cảm hứng qua những nàng thơ, cũng là bạn bè thân thích, như: Loulou de La Falaise, con gái của một hầu tước Pháp; Betty Catroux, con gái một nhà ngoại giao Mỹ; Catherine Deneuve, nữ diễn viên nổi tiếng của Pháp… Họ đều là những gương mặt nổi bật trong giới thời trang và thượng lưu. Yves Saint Laurent cũng là người đầu tiên mời những người mẫu da màu biểu diễn trong các show diễn thời trang của mình.

Theo đuổi chủ nghĩa thời trang tối giản và cảm hứng xuất phát từ niềm đam mê nghệ thuật hàn lâm. Phong cách thời trang của Yves Saint Laurent lấy cảm hứng từ trường phái hội họa trừu tượng cùng với sự ảnh hưởng của trường phái nghệ thuật phương Đông và nghệ thuật nguyên thủy của châu Phi tạo nên những bộ sưu tập đơn giản, tao nhã mà đầy ấn tượng.

Thời kỳ YSL kế nhiệm bởi nhà thiết kế Hedi Slimane
Hedi Slimane

Năm 2012, Hedi Slimane trở thành giám đốc sáng tạo cho thương hiệu Yves Saint Laurent, mặc dù trước đây, năm 1997 ông cũng đã từng làm việc cho thương hiệu này. Tuy còn nhiều tranh cãi trong việc đổi tên dòng thời trang may sẵn thành Saint Laurent Paris, trong suốt những năm tháng cống hiến cho YSL, Hedi Slimane đã làm khuynh đảo ngành thời trang thế giới thành công xây dựng phong cách bụi bặm nhưng quyến rũ.

Hedi Slimane đã đưa chất đương đại Mỹ vào trong các thiết kế trứ danh của mình, hô biến Saint Laurent trở thành kẻ thống trị từ thời trang high-end cho đến phong cách street-style hay cao bồi phóng khoáng, bụi bặm.

Thành công vang dội của Saint Laurent Paris cũng không đủ sức níu giữ Hedi Slimane ở lại. Ngày cá tháng tư năm 2016, Hedi Slimane chính thức rời khỏi Saint Laurent Paris và nhường vai trò của mình cho nhà thiết kế người Bỉ Anthony Vaccarello.

Thời kỳ YSL dưới sự dẫn dắt của Anthony Vaccarello

Vào thời điểm nhậm chức, Anthony Vaccarello đã tuyên bố rằng: “Tôi muốn tạo nên những niềm vui. Tôi muốn thổi vào Saint Laurent một luồng sinh khí mới, khác với những gì Hedi đã làm”.  Và thành công đã mỉm cười trong chiến thắng với màn trình diễn đầu tiên của Vaccarello dưới cái tên “Yves Saint Laurent”. Có thể nói, Hedi Slimane đã thành công trong việc vực dậy thương hiệu bằng cách xóa bỏ những chuẩn mực cũ của Yves Saint Laurent để rồi khi Anthony Vaccarello lên nắm quyền lại thành công khi đập bỏ Saint Laurent Paris, du hành thời gian trở về với Yves Saint Laurent nguyên bản.

Chính nhờ sự chuyển tiếp của hai phong cách khác biệt Hedi Slimane và Anthony Vaccarello mà Yves Saint Laurent luôn đi trước thời trang thế giới một bước với những thiết kế cầu kỳ, phá cách, mang hơi hướng hoài cổ pha chút hiện đại sang trọng, khiến Yves Saint Laurent trở thành người tiên phong tạo ra xu hướng chứ không cần vất vả chạy theo những sở thích của đám đông.

LỊCH SỬ THƯƠNG HIỆU YVES SAINT LAURENT – 24cara

Dưới thời Anthony Vaccarello, thương hiệu Saint Laurent một lần nữa bùng nổ. Kết quả kinh doanh từ tập đoàn Kering cho thấy Saint Laurent cùng với Gucci là hai thương hiệu có sự phát triển vượt bậc nhất của tập đoàn trong những năm 2018-2019. Chỉ một năm sau khi Anthony Vaccarello đến với Saint Laurent.

Bí quyết thành công của anh là gì? Có lẽ là việc hướng Saint Laurent trở về với kiểu dáng menswear vốn có. Các thiết kế, từ thời trang đến phụ kiện, luôn ưu tiên hai gam màu trắng, đen, dễ mặc và phi giới tính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *