Xót xa cuộc sống tại Trà Vân gần 1 tháng sau trận sạt lở kinh hoàng

Gần 1 tháng sau trận sạt lở khiến 8 người chết, 12 người bị thương, xã Trà Vân (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) vẫn còn 25 điểm bị chia cắt, đời sống người dân hết sức khó khăn.

Chiều 24-11, chương trình “Chung tay, góp sức – Hướng về Nam Trà My” do Hiệp hội Quảng cáo TP Đà Nẵng và Hiệp hội Quảng cáo TP HCM phối hợp cùng Báo Người Lao Động đã đến với hàng trăm hộ dân khó khăn tại xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

 

Một quả đồi bị sạt lở nặng trên tuyến đường đến xã Trà Vân

 

Trà Vân vẫn còn 25 điểm sạt lở cần được khắc phục

Chặng đường từ trung tâm huyện Nam Trà My đi Trà Vân chưa đầy 15km nhưng đoàn xe của đoàn từ thiện phải mất gần 1 giờ mới có thể tiếp cận. Trên đường, khung cảnh xơ xác, hoang tàn hiện ra trước mắt. Nhiều đoạn đường bị đất đá vùi lấp vừa mới được khơi thông, cheo leo giữa vách đá và vực sâu.

 

Sạt lở chực chờ trên tuyến đường đến xã Trà Vân

Để đến UBND xã Trà Vân nhận quà cứu trợ, hàng chục hộ dân tại khu vực nóc Ông Vũ, nóc Ông Thương, nóc Ông Đình… (thuộc thôn 1) phải đi bộ gần 2 giờ. Vì đường nhựa từ khu vực trên đến trung tâm đã bị sạt lở chia cắt, người dân buộc phải đi bộ từ 5-8km băng rừng, thường ngày vẫn gùi hàng trên lưng để ra xã lấy lương thực.

 

Người dân nóc Ông Vũ phải đi bộ gần 2 giờ đồng hồ để đến trung tâm xã

 

Nụ cười ngây thơ của trẻ em người Ca Dong

Ông Hồ Văn Dưới (trú nóc Ông Đình, thôn 1, xã Trà Vân) cho biết sạt lở đã vùi lấp 1 phần căn nhà ông. May mắn không có người bị thương, tuy nhiên gần 2.000 cây quế vừa được ươm trồng của gia đình đã bị hư hại hoàn toàn do mưa bão. “Nhà cũng tốc mái hết rồi, tôi hằng ngày vẫn mong tin cứu trợ từ các đoàn từ thiện để bớt phần nào khó khăn” – ông Dưới bày tỏ.

 

Hàng loạt ngôi nhà đổ nát, bị vùi lấp do sạt lở tại xã Trà Vân

Không may mắn như ông Dưới, ông Vũ Ngọc Tường (trú nóc Ông Sinh, thôn 1) phải trải qua nỗi đau mất con do sạt lở đất. “12 giờ trưa, đang ngủ trong nhà thì nghe tiếng nổ lớn. Cảm giác chỉ như 1 giây sau, cả nhà đổ sập. Tôi cũng bị vùi lấp trong đống đổ nát. Sau khi được cứu ra khỏi lớp gạch đá, bùn non, tôi bàng hoàng nhận ra đứa con trai 8 tuổi đã vĩnh viễn nằm lại với đất đá” – ông Tường buồn bã.

Gần 1 tháng qua, nhà cửa mất hết, tài sản trôi sạch, ông Tường cùng vợ con phải sống tạm tại nhà người thân. Được xã dựng cho ngôi nhà tạm tại khu vực đối diện bãi sạt lở, đảm bảo chỗ sống nhưng quãng thời gian sắp đến của ông và vợ con vẫn rất khó khăn. “Mọi tài sản tích góp đã không còn. Ngày trước tôi trồng keo, làm rẫy nuôi vợ con, giờ sạt lở cuốn trôi sạch. Thời gian tới thật sự không biết phải sống thế nào” – ông Tường lo lắng.

Một khu nhà tạm của người dân được chính quyền xã dựng nên

Họ là những hộ đã mất nhà, mất người thân do sạt lở vào ngày 28-10

Ông Hồ Văn Thới, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Vân, cho biết toàn xã có 677 hộ dân, phần lớn là người đồng bào Ca Dong, trong đó hơn 50% là hộ nghèo. “Xã đã bố trí nhà tạm cho các hộ dân bị vùi lấp. Tuy nhiên, toàn xã vẫn còn hơn 25 điểm sạt lở, chưa thể thông đường. Điện, nước cùng hệ thống viễn thông vẫn chưa thể hoạt động lại bình thường. Đời sống người dân rất cơ cực” – ông Thới cho hay.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trà Vân, điều bà con Trà Vân cần nhất bây giờ là ổn định nơi ăn chốn ở, đồng thời được đảm bảo sinh kế sau này khi lượng lớn diện tích đất nông nghiệp đã bị bão lũ tàn phá.

Xót xa cuộc sống tại Trà Vân gần 1 tháng sau trận sạt lở kinh hoàng - 11

Trụ sở UBND xã Trà Vân tan hoang do mưa bão

Niềm vui của người dân Trà Vân khi nhận được sự chia sẻ, động viên của người dân cả nước

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, chiều 28-10, trận sạt lở đất kinh hoàng xảy ra khiến 12 người bị thương, 8 người chết tại khu vực nóc Ông Sinh (thôn 1, xã Trà Vân). Đến ngày 29-10, lực lượng chức năng đã tìm thấy toàn bộ thi thể bị vùi lấp. 

Chiều 24-11, Hiệp hội Quảng cáo TP Đà Nẵng phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo TP HCM và Báo Người Lao Động tổ chức chương trình thiện nguyện “Chung tay, góp sức – Hướng về Nam Trà My” nhằm hỗ trợ đồng bào khó khăn tại 2 xã Trà Leng, Trà Vân.

Chương trình đã trao 110 suất quà cho 110 hộ dân khó khăn có nhà sập, bị vùi lấp do ảnh hưởng của các cơn bão gần đây tại 2 xã Trà Leng, Trà Vân; với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ có nhà sập hoàn toàn, 1 triệu đồng/hộ gia đình khó khăn. Chương trình còn hỗ trợ UBND xã Trà Leng một bộ loa phát thanh trị giá 5 triệu đồng. Tổng kinh phí hơn 170 triệu đồng.

Ngày 25-11, chương trình tiếp tục phối hợp với UBND TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam trao 2 nhà tình thương, trị giá 60 triệu đồng/căn.

Tinggalkan Balasan

Alamat email Anda tidak akan dipublikasikan. Ruas yang wajib ditandai *