Thông tin đến báo chí chiều 30.3, Tổng cục Hải quan cho hay, nhiều lô các tầm được nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc về Việt Nam, quá trình làm thủ tục thông quan, cơ quan hải quan phát hiện cá nhập loại không đúng khai hải quan và giấy phép được cấp.

Cá đang chờ kết quả giám định, đã được “tẩu tán” ra thị trường
Ngày 17.3 Công ty TNHH đầu tư & xuất nhập khẩu An Hưng đăng ký tờ khai hải quan số 103894536910 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị – Lạng Sơn nhập khẩu 12 tấn cá tầm Xiberi từ Trung Quốc. Cùng ngày, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã cùng Chi cục Hải quan, cơ quan kiểm dịch lấy mẫu tại kho riêng của doanh nghiệp để tiến hành giám định chủng loại. Ngày 19.3, kết quả giám định của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cho thấy: có 3 mẫu thuộc bộ cá tầm Acipenseriformes họ cá tầm Acipenseridae và thuộc giống cá tầm Huso huso, gần với loài cá tầm beluga hơn các loại khác; 2 mẫu thuộc bộ cá tầm Acipenseriformes họ cá tầm Acipenseridae và thuộc giống tầm Acipenseri có chỉ số hình thái gần với cá tầm Trung Quốc Acipenser sinensis. Căn cứ kết quả giám định nêu trên thì hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai hải quan và Giấy phép nhập khẩu do Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cấp (tên là cá tầm Xiberi, tên khoa học Acipenser baerii). Tương tự, ngày 19.3, Công ty TNHH Nông Lâm Thủy sản Đức Vui đăng ký tờ khai hải quan số 103903113310 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nhập khẩu 9,2 tấn cá tầm Xiberi xuất xứ Trung Quốc.
Ngày 20.3, kết quả giám định 6 mẫu cá cho thấy sản phẩm bộ cá tầm Acipenseriformes, họ cá tầm Acipenseridae và thuộc giống cá tầm Acipenser, cũng không đúng thực tế khai báo và chủng loại do CITES cấp giấy phép.Đáng lưu ý, lô 12 tấn cá tầm trên tuy chưa được hải quan xác nhận thông quan, nhưng kiểm tra kho thì toàn lô hàng đã được “tẩu tán” đưa ra thị trường tiêu thụ rồi. Tổng cục Hải quan cũng cho biết, hiện nay có 2 lô hàng nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai và Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị – Lạng Sơn cũng đã được Chi cục Hải quan cửa khẩu gửi lấy mẫu để thực hiện giám định tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật, nhưng đến nay chưa có kết quả.