Thanh khoản sụt giảm nhanh chóng, loạt cổ phiếu chứng khoán giảm 40-50% từ đỉnh, có mã sắp chạm đáy 1 năm

Thanh khoản sụt giảm nhanh chóng, loạt cổ phiếu chứng khoán giảm 40-50% từ đỉnh, có mã sắp chạm đáy 1 năm - Ảnh 1.

Phần lớn các cổ phiếu chứng khoán như SSI, HCM, VCI, MBS, SHS, AGR, BSI, CTS, FTS, … đều đã giảm 40-50% từ đỉnh trong khi cái tên khỏe nhất nhóm là VND cũng giảm hơn 15% trong 1 tháng qua.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua một trong những khoảng thời gian ảm đạm nhất kể từ khi làn sóng nhà đầu tư mới đổ bộ cách đây 2 năm. Áp lực bán chiếm ưu thế khiến VN-Index liên tục mất điểm cùng thanh khoản sụt giảm nhanh chóng. Các cổ phiếu chứng khoán – nhóm nhạy nhất với các biến động của thị trường, đương nhiên cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Thanh khoản sụt giảm nhanh chóng, loạt cổ phiếu chứng khoán giảm 40-50% từ đỉnh, có mã sắp chạm đáy 1 năm - Ảnh 1.

Nhiều cổ phiếu chứng khoán đang tìm về đáy 1 năm

Trước khi giông bão nổi lên từ đầu tháng 4 vừa qua, phần lớn cổ phiếu chứng khoán cũng đã “thất thủ” khi gặp áp lực chốt lời mạnh tại vùng đỉnh hồi cuối tháng 11 năm ngoái. SSI, HCM, VCI, MBS, SHS, AGR, BSI, CTS, FTS, … đều đã “bốc hơi” 40-50% từ đỉnh. Cái tên “khỏe” nhất nhóm là VND cũng mất hơn 15% trong 1 tháng vừa qua.

Quá trình đổ đèo đang dần ăn mòn đáng kể thành quả tăng giá của con sóng chứng khoán lớn chưa từng có trong năm ngoái. Một số cái tên như HCM, VCI, SHS đã về gần vùng giá thấp nhất trong gần 1 năm và vẫn không ngừng dò đáy. Không loại trừ khả năng sẽ có thêm nhiều cổ phiếu chứng khoán phá đáy trong thời gian tới nếu thị trường chưa khởi sắc trở lại.

Tháng 4 vừa qua, thị trường ghi nhận nhiều phiên thanh khoản rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng. Giá trị giao dịch bình quân phiên trên HoSE cũng sụt giảm mạnh so với tháng trước, xuống thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Rất có thể, thanh khoản thấp sẽ còn duy trì trong thời gian tới khi xu hướng tăng lãi suất là gần như không thể tránh khỏi trước áp lực từ lạm phát.

Thanh khoản sụt giảm nhanh chóng, loạt cổ phiếu chứng khoán giảm 40-50% từ đỉnh, có mã sắp chạm đáy 1 năm - Ảnh 2.

Thanh khoản giảm mạnh gần đây

Rạng sáng ngày 05/05 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, đánh dấu bước nâng lãi suất mạnh nhất trong hơn 20 năm. Động thái này không gây bất ngờ khi khớp với những gì đã bàn luận trong biên bản họp Fed tháng 3/2022. Dù vậy, đợt nâng lãi suất này sẽ đẩy lãi suất quỹ liên bang (Fed fund rate) lên phạm vi 0,75-1% và theo dữ liệu từ CME Group, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ nâng lên 3-3,25% vào cuối năm 2022.

Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định “Lạm phát đang quá cao và chúng tôi hiểu những khó khăn mà lạm phát gây ra. Do đó, chúng tôi đang hành động khẩn trương để kìm hãm lạm phát. Quan điểm chung của Ủy ban là có thể tiếp tục nâng lãi suất 50 điểm cơ bản tại các cuộc họp kế tiếp và chưa cân nhắc nâng lãi suất 75 điểm cơ bản”.

Mặt bằng lãi suất trong nước đã duy trì ở mức thấp trong suốt 2 năm 2020 và 2021 để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trước áp lực từ các động thái mang tính diều hâu của Fed, Việt Nam sẽ khó nằm ngoài xu hướng tăng lãi suất và điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến dòng tiền chảy vào chứng khoán trong thời gian tới.

Nguy cơ “việt vị” trong các dự báo về thị trường

Thanh khoản bất ngờ sụt giảm mạnh khiến nhiều công ty chứng khoán đứng trước nguy cơ “việt vị” trong các kịch bản xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Đơn cử như VNDirect dự báo trong thanh khoản trên 3 sàn năm 2022 tăng khoảng 10 – 15% so với bình quân 2021 lên khoảng 29.000 – 31.000 tỷ đồng/phiên. VSDC thậm chí còn đánh giá thanh khoản khớp lệnh bình quân toàn thị trường có thể dao động ở mức 30.000 – 35.000 tỷ đồng/phiên. Thận trọng hơn nhưng con số BSC đưa ra cũng ở mức cao 28.500 tỷ đồng/phiên.

Thanh khoản thấp sẽ gây áp lực trực tiếp lên doanh thu hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán. Hoạt động cho vay margin cũng bị ảnh hưởng bởi quy mô giao dịch hạn chế. Ngoài ra, mảng tự doanh lại phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường trong đó thanh khoản là yếu tố có vai trò quan trọng.

Trong các báo cáo chiến lược hồi đầu năm, hàng loạt công ty chứng khoán đã dự báo VN-Index đạt mức điểm số cao năm 2022, đa phần dao động từ 1.700-1.900 điểm. Tuy nhiên, với những diễn biến vừa qua, không dễ để thị trường có thể lội ngược dòng trong phần còn lại của năm khi các yếu tố hỗ trợ về vĩ mô có phần lung lay.

Mùa Đại hội cổ đông thường niên 2022 vừa qua cũng đã hé lộ kế hoạch kinh doanh khá dè dặt của các công ty chứng khoán, thậm chí một số cái tên còn “cài số lùi” lợi nhuận. Trong một báo cáo về triển vọng ngành, Chứng khoán KIS cho rằng doanh thu và lợi nhuận của các CTCK dự báo sẽ không tăng trưởng bứt phá trong năm 2022 đặc biệt khi so với nền cao của năm 2021.

Tăng trưởng lợi nhuận chậm lại sẽ khiến các CTCK khó hấp dẫn nhà đầu tư trong các phương án tăng vốn trong năm nay. Chưa kể, lượng lớn cổ phiếu phát hành thêm trong năm ngoái vẫn còn chưa hấp thụ hết. Vì thế, không bất ngờ khi các cổ phiếu chứng khoán thường dễ dàng bị áp lực bán nhấn chìm trong những phiên thị trường không thuận gần đây.

https://cafef.vn/thanh-khoan-sut-giam-nhanh-chong-loat-co-phieu-chung-khoan-giam-40-50-tu-dinh-co-ma-sap-cham-day-1-nam-20220505044909228.chn

Tinggalkan Balasan

Alamat email Anda tidak akan dipublikasikan. Ruas yang wajib ditandai *