Sự khác nhau giữa món kimbap và sushi

Cơm dùng trong sushi được tẩm giấm, còn trong kimbap trộn cùng dầu mè.

Sự khác biệt lớn nhất giữa kimbap và sushi chính là nguồn gốc. Kimbap (hay gimbap) là sự kết hợp của gim (rong biển) và bap (cơm được nấu chín). Thành phần làm món ăn này gồm cơm, xúc xích, thanh cua, trứng… cùng các loại rau củ đã được làm chín.

Kimbap thường được ăn kèm với kim chi hoặc củ cải muối. Ảnh: Pinterest
Kimbap thường được ăn kèm với kim chi hoặc củ cải muối. Ảnh: Pinterest

Kimbap có nhiều loại, nhưng phổ biến nhất là 5 loại, theo Taste Atlas: nude kimbap (cơm cuộn bên ngoài, rong biển nằm bên trong), Chungmu (cơm cuộn nhỏ bằng hai ngón tay, không có nhân ăn kèm kim chi và mực cay). Ba loại còn lại là Mayak (kimbap mini, có nhân truyền thống là củ cải vàng, rau bina, cà rốt và thường không cắt nhỏ mà ăn cả cái), Chamchi (có nhân là cá ngừ đóng hộp) và Samgak (gồm nhiều nhân khác nhau nằm bên trong miếng cơm hình tam giác, bọc bên ngoài là lớp rong biển. Thường được bao phủ một lớp túi giấy bóng bên ngoài để giữ gimbap tươi lâu).

Sushi là món ăn truyền thống của Nhật Bản. Có nguyên liệu là cơm kết hợp cùng các loại hải sản, trứng cá sống, rau củ quả tươi… Sushi của người Nhật gồm 6 loại cơ bản: Sashimi (làm từ cá và hải sản tươi sống), Nigiri (thường là những lát cá hoặc hải sản tươi sống thái mỏng phủ lên miếng cơm nhỏ, dài), Chirashi (cơm thường được đựng vào bát và phủ lên đó là lớp hải sản tươi sống).

Ba loại còn lại là Maki (rong biển cuộn bên trong là cơm và nhân hải sản, rau, thịt…), Uramaki (ngược với Maki, khi cơm được cuộn ở bên ngoài, còn rong biển và nhân ở bên trong), Temaki (hình chiếc phễu, với rong biển cuộn bên ngoài. Bên trong là cơm và phía trên phủ rau củ, hải sản…).

Maki Sushi có ngoại hình khá giống với kimbap. Ảnh: Fiona Uyema
Maki Sushi có “ngoại hình” khá giống với kimbap. Ảnh: Fiona Uyema

Sự khác biệt tiếp theo là nguyên liệu làm món ăn

Cơm dùng trong sushi tẩm giấm, còn trong kimbap là trộn cùng dầu mè, có vị ngọt hơn. Khi thưởng thức, bạn sẽ thấy sự khác biệt này rõ rệt. Ngoài ra, người Hàn Quốc thường dùng cả gạo lứt, gạo nếp cẩm để làm kimbap. Nhưng trong món sushi, đó hầu như luôn là cơm trắng.

Đối với phần nhân, người Nhật chủ yếu sử dụng cá sống. Tại Hàn Quốc, nhân là những thứ đã được làm chín hoặc bảo quản như cá ngừ đóng hộp, kimchi, thịt nướng bulgogi, jamon, phô mai, xúc xích, trứng, thanh cua… đã được nêm gia vị.

Vì có nhân sống nên sushi thường được chấm kèm nước tương, mù tạt, gừng đỏ ngâm chua ngọt. Với kimbap, do các nguyên liệu được nêm gia vị nên khi ăn thường không kèm nước chấm, và thường dùng với các loại kim chi.

Các món kimchi ăn kèm với kimbap Hàn Quốc. Ảnh: Phương Anh
Các món kimchi ăn kèm với kimbap Hàn Quốc. Ảnh: Phương Anh

Theo blogger ẩm thực Mina Oh, kimbap là món ăn phổ biến vào bữa trưa mà sinh viên, nhân viên văn phòng Hàn Quốc đều mang từ nhà đến để ăn. Chúng thường được làm bởi những người mẹ, người vợ của họ. Món ăn bình dân này thường xuyên xuất hiện trong các bữa ăn của gia đình Hàn Quốc.

Còn sushi, Mina tin rằng nó thường được người Nhật ăn trong các dịp đặc biệt. Và việc tạo ra các loại sushi thường được đầu bếp chú trọng, coi đó như một nghệ thuật.

Nhiều thực khách quốc tế thường bị nhầm giữa kimbap và maki sushi (hay futomaki)

Cả hai đều có vẻ ngoài tương đối giống nhau. Maki theo truyền thống được làm cho bento (bữa ăn mang đi), cho bữa trưa hoặc các buổi dã ngoại. Vì vậy, nhân của chúng nhiều khi cũng không dùng đồ sống vì dễ hỏng, mà được làm chín để dễ bảo quản. Tuy nhiên, phần cơm vẫn là các nguyên liệu truyền thống.

Nguồn: VN Express

Tinggalkan Balasan

Alamat email Anda tidak akan dipublikasikan. Ruas yang wajib ditandai *