Nơi lạnh nhất không phải bắc cực mà là bảng điện tử, “mùa đông” chứng khoán còn kéo dài đến khi nào?

J.P.Morgan cho rằng P/E cổ phiếu Việt Nam đã giảm xuống 13,1 lần trên cơ sở P/E dự phóng, dưới mức trung bình 10 năm (14,5 lần) và từ năm 2014, thị trường hiếm khi giao dịch ở mức định giá này trong hơn hai tháng.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trải qua khoảng thời gian tồi tệ nhất kể từ khi làn sóng nhà đầu tư mới (F0) đổ bộ cách đây 2 năm. VN-Index rơi một mạch 214 điểm (-14%) từ đỉnh và gần như không cho nhà đầu tư một nhịp hồi nào để “thở” suốt 3 tuần qua. Sự thất vọng lên đến đỉnh điểm với phiên giảm mạnh nhất của VN-Index trong gần 15 tháng cùng 238 mã giảm sàn.

Không chỉ về mặt điểm số, cách thị trường phản ứng trước “giông bão” mới thực sự đáng ngại. Cầu bắt đáy gần như không xuất hiện hoặc chỉ “chớm” nhập cuộc đã dễ dàng bị dập tắt bởi lực bán không quá mạnh, một điều hiếm thấy trong những nhịp giảm sâu. Niềm tin chạm đáy sau những cú “bulltrap”, tâm lý chán nản bao trùm khiến nhiều nhà đầu tư thậm chí còn chẳng buồn mở bảng chứ chưa tính đến chuyện bắt đáy.

Ngay trong phiên 25/4 vừa qua, có thời điểm VN-Index đã giảm đến 81 điểm – con số kỷ lục trong lịch sử, hàng loạt Bluechips dư bán sàn nhưng dòng tiền vào “bắt đáy” vẫn rất dè dặt. Giá trị giao dịch trên HoSE gần như không có sự đột phá trong chuỗi giảm triền miên gần đây và chỉ dao động quanh mức 23.000 tỷ đồng (1 tỷ USD) trong khi những nhịp rơi sốc trước đó thanh khoản thường được đẩy lên rất cao, thậm chí trên 30.000 tỷ đồng.

Không quá khi nói rằng “Nơi lạnh nhất đối với nhà đầu tư chứng khoán không phải bắc cực mà là bảng điện tử”. Và các nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường từ đầu năm 2022 có lẽ là những người cảm nhận rõ nhất sự lạnh lẽo này.

Riêng trong tháng 3, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 270.217 tài khoản chứng khoán, con số kỷ lục từ trước đến nay và vượt xa đỉnh cũ đạt được vào tháng 12/2021. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là nòng cốt khi mở mới 270.011 tài khoản. Tính chung 3 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước đã mở mới tổng cộng hơn 676.500 tài khoản chứng khoán, gần gấp đôi tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020.

Nơi lạnh nhất không phải bắc cực mà là bảng điện tử, “mùa đông” chứng khoán còn kéo dài đến khi nào? - Ảnh 1.

Lượng tài khoản mở mới lập kỷ lục

Trên thực tế, con số tài khoản mở mới đang ngày càng phản ánh sai lệch lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường bởi rất nhiều trong số đó là tài khoản mở thêm của những nhà đầu tư cũ. Ngoài ra, chương trình tự động mở tài khoản chứng khoán tại CTCK liên kết cho khách hàng đến mở tài khoản tại Ngân hàng cũng kéo theo nhiều tài khoản mở mới nhưng ở trạng thái “passive”.

Minh chứng rõ ràng nhất là số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào cuối quý 1/2022 ước tính 100.000 tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 6.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Dù vẫn lập kỷ lục nhưng con số tăng thêm hoàn toàn không tương xứng với số lượng tài khoản mở mới đột biến từ đầu năm. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 31/3/2022.

Thêm nữa, sự sụt giảm về mặt thanh khoản trong những tháng đầu năm 2022 so với cuối năm 2021 cũng phần nào cho thấy dòng tiền đã hạ nhiệt. Tháng 3 ghi nhận số tài khoản mở mới tăng đột biến nhưng thanh khoản bình quân phiên lại chỉ ở mức 26.600 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với còn số kỷ lục hơn 32.800 tỷ đồng đạt được vào tháng 11/2021.

Nơi lạnh nhất không phải bắc cực mà là bảng điện tử, “mùa đông” chứng khoán còn kéo dài đến khi nào? - Ảnh 2.

Thanh khoản 3 tháng đầu năm sụt giảm so với cuối năm ngoái

Mùa đông sắp kết thúc?

Đối với nhà đầu tư, nguyên nhân dẫn đến nhịp giảm thê thảm vừa qua có lẽ không còn là mối quan tâm hàng đầu mà vấn đề là bao giờ thì “mùa đông” trên bảng điện tử mới kết thúc.

Trong bản tin cập nhật thị trường mới nhất, SSI Research cho rằng VN-Index có thể hồi phục theo đà “rút chân” của nến ngày 25/4. Tuy nhiên, vẫn còn khả năng chỉ số lùi lại kiểm định mốc tâm lý 1.300 điểm một lần nữa do lượng cổ phiếu “bắt đáy” từ ngày 21/4 sẵn sàng để bán nhiều khả năng sẽ cản trở nhịp hồi phục. Trường hợp chỉ số VNIndex cân bằng quanh ngưỡng 1.300 và tạo nền tích lũy với khối lượng thấp, nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng trở lại.

Trong báo cáo chiến lược TTCK Việt Nam mới đây, J.P.Morgan cho rằng P/E cổ phiếu Việt Nam đã giảm xuống 13,1 lần trên cơ sở P/E dự phóng, dưới mức trung bình 10 năm (14,5 lần) và từ năm 2014, thị trường hiếm khi giao dịch ở mức định giá này trong hơn hai tháng. Vì thế, tổ chức này tin rằng việc điều chỉnh rất khó khăn nhưng sẽ không còn lâu nữa.

Trong lịch sử, VN-Index thường lấy lại tất cả các khoản lỗ trong vòng 6-12 tháng ở mức P/E 13 lần. Do đó, J.P.Morgan vẫn đánh giá tích cực về mặt cấu trúc về thị trường chứng khoán Việt Nam từ góc độ dài hạn. Nhân khẩu học thuận lợi, chuyển dịch chuỗi cung ứng, cải cách kinh tế và phân loại lại cổ phiếu tiềm năng sẽ tạo ra giá trị cho các nhà đầu tư trong 2-3 năm tới.

Nơi lạnh nhất không phải bắc cực mà là bảng điện tử, “mùa đông” chứng khoán còn kéo dài đến khi nào? - Ảnh 3.

Theo cập nhật của Bloomberg, P/E của VN-Index hiện còn 14,7 lần và theo như ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS từng chia sẻ “Trong điều kiện bình thường, P/E thị trường quanh mức 15 lần thì đó chính là đáy”. Thị trường đi lên là nhờ kinh tế vĩ mô ổn định cũng như nền tảng nội tại của doanh nghiệp chứ không phải từ những thông tin đồn đoán. Khi đối mặt với những cú giảm sốc, nhà đầu tư có tầm nhìn, bản lĩnh vẫn sẽ chiến thắng và hái được quả ngọt.

https://cafef.vn/noi-lanh-nhat-khong-phai-bac-cuc-ma-la-bang-dien-tu-mua-dong-chung-khoan-con-keo-dai-den-khi-nao-20220426033808478.chn

Tinggalkan Balasan

Alamat email Anda tidak akan dipublikasikan. Ruas yang wajib ditandai *