Nguy cơ lây lan cộng đồng từ ‘người nghi nhiễm nCoV tự khỏi’

Người nhiễm nCoV không có triệu chứng, sinh sống trong cộng đồng, là nguy cơ phát tán virus sang nhiều người khác. Cần xét nghiệm sàng lọc diện rộng để phát hiện.

Tối 30/6, Sở Y tế Hà Tĩnh ghi nhận một người đàn ông ở huyện Thạch Hà có kháng thể nCoV. Đánh giá người này đã mắc Covid rồi tự khỏi và âm thầm lây 19 ca khác. Ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng, Bộ Y tế, cho rằng “có nhiều ca nhiễm Covid-19 không có triệu chứng nhưng âm thầm lây lan. Đó là F0 lẩn khuất trong cộng đồng, chưa được phát hiện hết”.

Các F0 trong cộng đồng khi xét nghiệm cho kết quả có kháng thể nCoV. Nghĩa là đã bị bệnh và tự khỏi, không còn khả năng lây bệnh. Nhưng khi người này ở giai đoạn mang virus, không có triệu chứng. Có nguy cơ lây bệnh cho người khác.

“Do đó, phát hiện ca mắc Covid-19 chỉ là bề nổi. Còn nhiều ca nhiễm trong cộng đồng âm thầm mà không được phát hiện sẽ tiếp tục lây rộng hơn”, ông Phu nói.

Với biến thể Delta, chu kỳ lây nhiễm (thời gian để virus chuyển từ F này sang F khác) khá nhanh. Trung bình ba ngày.

Người dân xếp hàng tiêm vaccine tại TP HCM. Nguồn: VN Express
Người dân xếp hàng tiêm vaccine tại TP HCM. Nguồn: VN Express

Đợt dịch lần này phức tạp hơn nhiều về quy mô và tính chất

Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhận định đợt dịch lần này phức tạp hơn rất nhiều về quy mô và tính chất. Do có mầm bệnh từ trước và âm thầm lây lan trong cộng đồng.

Ông Nga dẫn chứng, ở đợt dịch trước, 60% bệnh nhân không có triệu chứng; biến thể Anh có thể lây cho đến 7 người. Lần này, 80% bệnh nhân không có triệu chứng, khả năng tự khỏi cao hơn và không có biểu hiện gì. Chưa kể, chủng virus Delta lây nhiễm với tốc độ rất nhanh, nhanh hơn nhiều biến chủng Anh. Nhiều trường hợp không xác định được nguồn lây và yếu tố dịch tễ.

“Điều này dẫn đến có người nhiễm, chưa tìm được nguồn lây. Lây sang người khác và đã tự khỏi mà không biết, khiến dịch lan rộng”, ông Nga nói. “Truy tìm F0 là cần thiết nhưng trong tình hình hiện nay thì gần như là vô phương”.

Sở Y tế TP HCM cũng ghi nhận khoảng 80% bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch này không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), nhận định những ca chỉ điểm (phát hiện đầu tiên của một chuỗi) hiện nay hầu như không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ, nếu không đi khám và xét nghiệm sàng lọc sẽ bị bỏ qua. “Vì thế chúng ta chậm hơn dịch bệnh là điều tất yếu”, ông Dũng nói.

Theo ông Phu, để kiểm soát dịch phải tăng cường xét nghiệm sàng lọc diện rộng. Xét nghiệm là mấu chốt khi số lượng người mang virus trong cộng đồng nhiều lên.

“Xét nghiệm sàng lọc nhiều vẫn rẻ hơn phải giãn cách xã hội một cách vô lý”, ông nói.

Nguồn: VN Express

Tinggalkan Balasan

Alamat email Anda tidak akan dipublikasikan. Ruas yang wajib ditandai *