Ngôi đền cổ Kailasa công trình đi trước thời đại

Xây dựng cách đây 1.200 năm, đền Kailasa của Ấn Độ là kiến trúc nguyên khối lớn nhất thế giới nằm trong lòng đất.  

Đền Kailasa không chỉ có lối kiến trúc tuyệt mỹ, đậm sắc tôn giáo mà còn tạo được ấn tượng mạnh bởi những chi tiết chạm trổ tinh xảo cùng giá trị văn hóa – lịch sử lâu đời.

Hơn thế, ngôi đền chắc chắn là một trong những thành tựu kiến trúc vĩ đại nhất của nhân loại vì được chạm khắc từ một khối đá khổng lồ.

Đền Kailasa còn được gọi là đền Kailasanatha. Nơi này dùng để thờ thần Shiva của đạo Hindu – vị thần tối cao tượng trưng cho sự tái tạo và hủy diệt. cách thành phố Aurangabad 29km về phía tây bắc và là một phần trong quần thể hang động Ellora nổi tiếng. Đây là công trình thứ 16 trong quần thể 34 ngôi đền, tu viện thuộc hang động Ellora, nằm trong các vách đá ở huyện Aurangabad, Maharashtra, Ấn Độ. Mang phong cách kiến trúc Dravidian, đền có chóp vuông với các chi tiết được chạm khắc tỉ mỉ.

Theo truyền thuyết của người Marathi ở Maharashtra, nhà vua trị vì lúc đó rất ốm yếu, và nữ hoàng đã cầu nguyện thần Shiva để chữa trị cho ông. Đổi lại, nữ hoàng hứa sẽ xây dựng một ngôi đền để vinh danh Thần và nhịn ăn cho đến khi việc xây dựng hoàn thành. Thần Shiva chấp thuận điều ước của nữ hoàng và công trình bắt đầu.

Một kiến trúc sư tên Kokasa đã hứa với nữ hoàng ông có thể xây dựng ngôi đền trong một tuần, vì vậy nữ hoàng sẽ không phải nhịn ăn quá lâu và mạo hiểm với sức khỏe của mình. Kokasa dẫn đầu công trình, bắt đầu từ trên đỉnh và chạm khắc tảng đá lớn xuống dưới. Từ đó, tảng đá khổng lồ đã biến thành ngôi đền huyền diệu với những tác phẩm điêu khắc tinh xảo.

Theo nhiều nghiên cứu, việc xây dựng đền bắt đầu từ thế kỷ thứ 8 bởi nhà vua Krishna I, thuộc triều đại Rashtrakuta, có nghĩa là ngôi đền được xây dựng cách đây 1.200 năm. Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều tranh cãi xoay quanh thời điểm và khoảng thời gian để xây dựng công trình kỳ vĩ này.

Có ý kiến cho rằng chỉ mất 18 năm để xây dựng, quan điểm khác quả quyết phải qua nhiều đời vua mới hoàn thiện được đền. Tuy nhiên, người ta vẫn không tài nào hiểu được làm cách nào mà người xưa tách đá tảng ra khỏi núi đá 30m để làm các cột trụ với vài công cụ thô sơ là đục, búa và các vật sắc nhọn như các nhà khảo cổ nhận định khi quan sát các vết đục trên bức tường đá ngoài việc tin vào câu chuyện truyền thuyết kể trên.

Trong thời đại của chúng ta, khi công nghệ rất phát triển thì thật khó để mường tượng ra chuyện hơn 10 thế kỷ trước, con người có thể tạo tác một kiến trúc tuyệt vời như thế này từ đá cứng với vài công cụ thô sơ. Và còn khó tưởng tượng hơn, khi có nhiều thiết bị tiên tiến, chúng ta vẫn không thể làm được như họ.

Tinggalkan Balasan

Alamat email Anda tidak akan dipublikasikan. Ruas yang wajib ditandai *