Đối với da thường xuyên đổ dầu và ít nhạy cảm thì kem chống nắng hóa học là lựa chọn vô cùng hợp lý.
Kem chống nắng có vai trò bảo vệ da dưới tác hại của ánh nắng mặt trời. Bao gồm làm ngăn ngừa lão hóa, phòng chống các bệnh về da. Hiện nay, trên thị trường có 2 loại kem chống nắng là vật lý và hóa học.

Phân biệt chức năng và thành phần của 2 loại kem chống nắng
Kem chống nắng vật lý
Thông tin từ báo Sức Khỏe Đời Sống, kem chống nắng vật lý (Sunblock) là loại vô cơ. Thường có thành phần chính là 2 loại Zinc Oxide và Titanium Dioxide. Loại này được dùng rộng rãi và thường là sản phẩm nhiều người lựa chọn khi mới sử dụng kem chống nắng lần đầu tiên.
Cơ chế hoạt động của kem chống nắng vật lý khá đơn giản. Theo đó, bằng hoạt chất Zinc Oxide và Titanium Dioxide, kem chống nắng vật lý sẽ tạo một lớp màng bảo vệ da. Ngăn chặn và phản xạ ngược tia UV khiến nó không thể xuyên qua lớp biểu bì.
Kem chống nắng vật lý có nhiều ưu điểm lớn nên thu hút phần đông người tiêu dùng lựa chọn. Cụ thể, loại kem chống nắng này khá lành tính. Nó phù hợp cho da nhạy cảm và bảo vệ trước cả tia UVA và UVB. Đặc biệt, đối với những “sâu lười”, sợ phải chờ lâu thì kem chống nắng vật lý là lựa chọn hoàn hảo. Vì sau khi thoa có thể ra ngoài ngay, không cần kem ngấm vào da.

Tuy nhiên, loại kem này có chứa Zinc Oxide và Titanium Dioxide nên thường khiến da bật tông sau khi thoa. Đồng thời, điểm trừ tiếp theo là dễ trôi. Tạo vệt trắng loang lổ nếu da tiết mồ hôi nhiều hoặc tiếp xúc môi trường nước. Ngoài ra, chất kem dày của kem chống nắng vật lý cũng dễ gây bí da, tắc lỗ chân lông và đổ dầu.
Kem chống nắng hóa học
Xuất hiện trong lịch sử ngành mỹ phẩm đã lâu nhưng thời gian gần đây, kem chống nắng hóa học (Sunscreen) mới được “tung hô” nhiều. Như tên gọi, loại kem chống nắng này được điều chế từ các thành phần hóa học thiên về chất hữu cơ như Avobenzone, Oxybenzone, Sulisobenzone.
Cơ chế hoạt động của loại này là tạo ra một lớp màng hóa học nhưng để hấp thu. Xử lý và phân hủy tia UV trước khi chúng “chạm” và gây tổn thương cho da. Giống như “người anh em” vật lý, kem chống nắng hóa học có thể chống cả tia UVA và UVB.
Ưu điểm đặc biệt của loại chống nắng hóa học là kết cấu mỏng nhẹ. Ít gây tắc lỗ chân lông nên có thể sử dụng hàng ngày. Và đặc biệt không tạo ra những vệt trắng hay bóng dầu. Một số loại chống nắng hóa học còn có khả năng chống nước. Dễ tiệp da nên thuận lợi khi trang điểm và di chuyển ngoài trời.

Nhiều chức năng nổi bật là vậy nhưng kem chống nắng hóa học cũng có những vấn đề như dễ gây kích ứng. Kem chống nắng hóa học cần thời gian để hấp thụ vào da nên sau khi thoa. Người dùng phải chờ từ 15 đến 20 phút để kem thẩm thấu rồi mới ra ngoài hoặc tiếp xúc ánh nắng. Ngoài ra, khi sử dụng hóa học, người dùng phải thoa lại sau 2 tiếng.
“Tôi là da mụn, dùng loại nào sẽ tốt hơn?”
Ngành review mỹ phẩm phát triển trên các trang mạng xã hội kéo theo vấn đề loạn thông tin. Nhiều người mua kem chống nắng dựa trên cảm quan thay vì hiểu rõ làn da của bản thân. Trên thực tế, không thể đánh giá từng loại kem chống nắng là tốt hay xấu mà tùy từng loại da. Mỗi người sẽ có một sản phẩm phù hợp riêng biệt.
Đối với những người thuộc da nhạy cảm hoặc hội chứng Rosacea, nên sử dụng kem chống nắng vật lý. Do sản phẩm này chứa những thành phần lành tính.
Đối với trường hợp da khô đến da thường, không nhạy cảm thì có thể sử dụng kem chống nắng hóa học để tăng hiệu quả bảo vệ da. Với làn da khô nên lựa chọn loại kem chống nắng có dưỡng ẩm.
Riêng da dầu (nhưng không mụn, ít nhạy cảm), kem chống nắng hóa học là lựa chọn tốt hơn vì mỏng nhẹ, không gây bí da.
Ngoài ra, người dùng sở hữu làn da dầu nên lựa chọn sản phẩm chứa từ “No Sebum” (không gây nhờn) hoặc “Oil Free” (không dầu) để tránh bí da.

Nếu bạn sở hữu làn da mụn, hãy chọn kem chống nắng vật lý có cụm từ “Non-Comedogenic” (không gây bít lỗ chân lông), không chứa hương liệu. Như vậy, đối với da dầu mụn thì nên sử dụng kem chống nắng vật lý thay vì hóa học.
Trên thị trường hiện nay có thêm loại kem chống nắng “lưỡng tính”, kết hợp giữa vật lý và hóa học, phục vụ nhu cầu cho từng loại da. Tuy nhiên, dù bất kỳ loại kem hay thương hiệu nào thì điều quan trọng vẫn là hiểu rõ làn da và nhớ các từ khóa quan trọng trong thành phần nguyên liệu.
Theo Thể Thao & Văn Hóa