“Bình yên con nhé”: Lời tri ân những ông bà ngoại

26 phút phim tài liệu “Bình yên con nhé” kể về những bé sơ sinh mồ côi khiến người xem càng thấm thía hơn câu nói “cháu bà nội, tội bà ngoại”.

“Bên trong trẻ nhỏ là vận mệnh của tương lai”, câu nói nổi tiếng của nhà giáo dục người Ý Maria Montessori, được dùng làm lời mở đầu cho bộ phim tài liệu Bình yên con nhé (kịch bản – đạo diễn Đức Đệ, phát sóng trên VTV1 vào tối 20/10). Câu nói như một lời nhắc nhở những người lớn rằng bất cứ đứa trẻ nào sinh ra cũng phải được nâng niu trong vòng tay yêu thương, nhất là của cha mẹ. Nếu trẻ không may mắn có được điều ấy thì trách nhiệm này trao cho những người thân còn lại của bé. Câu chuyện về hai bé gái Xuka và Nhật Vy trong phim Bình yên con nhé ở vào trường hợp như vậy.

“Bình yên con nhé”: Lời tri ân những ông bà ngoại
Ông bà ngoại đón Nhật Vy về nhà, cha mẹ em đã mất vì COVID-19, để lại 4 người con

Phim mở đầu bằng hình ảnh một em bé vừa được các bác sĩ đón ra đời cất tiếng khóc oe oe và lời kể xúc động của hai sản phụ về nỗi buồn phải xa con ngay sau khi sinh vì dịch bệnh COVID-19.

Nhưng nỗi buồn ấy, như lời người trong cuộc nhìn nhận. Nào có là gì so với nỗi đau những gia đình có sản phụ mất ngay sau sinh vì COVID-19. Để lại những đứa trẻ côi cút từ lúc mới lọt lòng.

Đạo diễn Đức Đệ đã theo chân những người ông, người bà của gia đình bé Xuka và Nhật Vy –  sinh ra tại Bệnh viện Từ Dũ – để ghi lại hành trình đầy nước mắt và nhiều yêu thương của những người phải làm cha làm mẹ lần thứ hai. Họ là những người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Có con mắc COVID-19 không qua khỏi sau khi sinh nở, bỏ lại đàn con thơ. Nếu như ở hai bộ phim tài liệu Ranh giới và Ngày con chào đời, khán giả đã chứng kiến sự đau đớn, khốc liệt trong cuộc chiến chống COVID-19 của các sản phụ thì Bình yên con nhé lại khắc họa nỗi đau “hậu” COVID-19.

“Bình yên con nhé”: Lời tri ân những ông bà ngoại
Mẹ con Nhật Vy lần đầu đoàn tụ nhau là trước bàn thờ

Bình yên con nhé cũng không có những lời bình mà chỉ có lời nói của các nhân vật.

Từng lời tâm sự của đội ngũ y bác sĩ cho đến những người thân của sản phụ đã mất khiến người xem phải ngậm ngùi trước bất hạnh quá lớn của hai thiên thần nhỏ mới chào đời.

Bé Xuka được xem là trường hợp đặc biệt trong lịch sử y khoa của Bệnh viện Từ Dũ. Khi chào đời lúc mới 26 tuần tuổi với cân nặng chỉ 920gr. Em của Xuka nặng 750gr đã mất sau khi lọt lòng mấy ngày. Để Xuka sống sót và sức khỏe dần ổn định rất gian nan, khó khăn. Bà ngoại và cậu của bé phải ấp bé thay cho lồng ấp.

Hình ảnh người bà tóc bạc, đeo kính ngồi ấp bé trước ngực, tay cầm ống dung dịch sữa. Nước mắt chảy dài theo lời ru “ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh…” làm người xem lặng đi.

“Bình yên con nhé”: Lời tri ân những ông bà ngoại
Bà ngoại và cậu thay phiên nhau ấp bé Xuka

Không có mất mát nào lớn bằng sự sinh ly tử biệt. Không có nỗi đau nào bằng nỗi niềm cha mẹ mất con.

Người xem thấy được điều đó trong khung hình ông ngoại bé Nhật Vy lặng lẽ ngồi mân mê thỏi son, chiếc gương, điện thoại – những di vật của con gái – hay lúc ông đứng tần ngần vuốt ve chiếc hũ đựng tro cốt thì thầm khuyên con hãy yên nghỉ. Con gái và con rể đều mất vì dịch bệnh, để lại 4 đứa con. Giờ đây ông và vợ trở thành “cha mẹ” lần thứ hai của 4 đứa cháu.

Có những khoảnh khắc nhân vật không thốt nên lời. Những tiếng nấc nghẹn, cái lắc đầu không thể tin vào sự thật. Và những giọt nước mắt rơi cũng bóp nghẹt tim người xem. Đó là lúc những người anh, người chị của Xuka và Nhật Vy – những đứa trẻ cũng còn đang đi học – nghe người thân hỏi về mẹ. Ở cái tuổi còn non nớt, các bé đều không thể ngờ rằng chuyến đi vô bệnh viện của mẹ mãi mãi không có ngày trở về.   

“Bình yên con nhé”: Lời tri ân những ông bà ngoại
Bà ngoại Xuka vừa ru cháu vừa khóc

Đại dịch đã cướp đi hàng ngàn người cha, người mẹ. Để lại hàng ngàn trẻ mồ côi, những cuộc đoàn tụ lần đầu giữa mẹ và con trước bàn thờ. Những người ông, người bà đang phải gồng gánh một nhiệm vụ đặc biệt trong cuộc đời mình. Đó là thay mặt con chăm sóc, chở che cho những đứa cháu bé nhỏ, côi cút. Cháu bà nội, tội bà ngoại, bộ phim như một lời tri ân gửi đến họ. Những người làm cha làm mẹ lần thứ hai.

Nguồn: Phụ Nữ Online

Tinggalkan Balasan

Alamat email Anda tidak akan dipublikasikan. Ruas yang wajib ditandai *