4 điểm không ngờ tới của người có EQ cao

Các nghiên cứu đã chỉ ra trí thông minh cảm xúc (EQ) là nhân tố then chốt để tạo nên người thành công.

Trí thông minh cảm xúc (EQ) là “cái gì đó” khá vô hình. Nhưng ảnh hưởng đến cách mỗi người kiểm soát hành vi, định hướng xã hội và ra quyết định cá nhân. Trí thông minh cảm xúc được hội tụ lại bởi 2 nhóm năng lực cơ bản là năng lực cá nhân và năng lực xã hội. Năng lực cá nhân là khả năng nhận diện cảm xúc của mình và kiểm soát hành vi, ý định của mình. Còn năng lực xã hội là khả năng thấu hiểu cảm xúc, hành vi và động cơ của người khác. Vậy làm thế nào để biết một người có EQ cao?

Trí thông minh cảm xúc ảnh hưởng đến cách mỗi người kiểm soát hành vi, định hướng mang tính xã hội phức tạp và ra quyết định cá nhân để đạt được kết quả khả quan. Ảnh minh họa.
Trí thông minh cảm xúc ảnh hưởng đến cách mỗi người kiểm soát hành vi, định hướng mang tính xã hội phức tạp và ra quyết định cá nhân để đạt được kết quả khả quan. Ảnh minh họa.

1. Cách nói chuyện

Những người có EQ cao thường ăn nói khéo léo, nhẹ nhàng. Khi nói chuyện, giọng điệu của họ rất ấm áp và dễ nghe, khiến mọi người có thể tin tưởng. Những người có EQ thấp thường hay thẳng theo kiểu thô lỗ hoặc miễn bản thân thích.

Vợ cựu tổng thống Mỹ Lincoln thường mắng mỏ chồng bất tài khi không cho bà được một cuộc sống giàu sang, quyền quý. Có lần bà mắng rất lâu, nhưng Lincoln chỉ nhìn lên trời. Bà tức giận hỏi chồng đang nhìn gì, ông nói: “Biết ơn Chúa vì đã cho em một cái lưỡi tốt”. Cách nói này chặn được miệng vợ một cách khôn ngoan mà lại không làm bà tức giận. Từ đó có thể thấy vị tổng thống Mỹ có trí tuệ cảm xúc cao như thế nào.

2. Hành vi

Người trí tuệ cảm xúc cao có những mối quan hệ xã hội không hề tệ. Họ sống chu đáo và có kế hoạch, tất cả mọi việc đều được kiểm soát một cách dễ dàng. Có cô gái được sếp tổng một công ty giới thiệu vào làm việc. Ngay ngày đầu tiên, cô đứng trước mặt vị trưởng phòng tuyên bố: “Tôi chỉ nghe lời sếp tổng”. Vị trưởng phòng mỉm cười, giao việc cho người khác. Một tuần liền không có việc để làm, cô gái hậm hực đi gặp sếp tổng tố cáo trưởng phòng. Khi bị triệu tập, vị trưởng phòng nói: “Tôi định giao việc. Nhưng cô ấy từ chối không chịu làm vì chỉ nghe lời sếp tổng”. Ngay lập tức cô gái được cho nghỉ việc với lý do: “Người như vậy không thể làm tốt được”.

Thực tế, đây là vấn đề của trí tuệ cảm xúc. Một người có EQ cao sẽ không nói những điều như vậy. Bất kể được tuyển dụng từ ai hoặc giao nhiệm vụ dưới quyền ai, nên tuân theo người ra lệnh. Đừng nghĩ rằng bản thân có người “chống lưng” mà khinh thường người khác hoặc có năng lực tuyệt vời nên chỉ sếp mới có quyền chỉ huy. Hành vi như vậy giống như tự lấy đá ném vào chân mình.

Những người có EQ cao thường ăn nói khéo léo, nhẹ nhàng. Ảnh minh họa.
Những người có EQ cao thường ăn nói khéo léo, nhẹ nhàng. Ảnh minh họa.

3. Quần áo

Tại sao quần áo cũng là biểu hiện của trí tuệ cảm xúc? Vì quần áo là biểu hiện bên ngoài hình ảnh của một người. Một người có trí tuệ cảm xúc cao luôn chịu trách nhiệm về hình ảnh của mình.

Không phải quần áo cao cấp hay đắt tiền mới có EQ cao mà điều quan trọng là trang phục phải phù hợp với bản sắc và khí chất của một người. Ví dụ đàn ông ở độ tuổi 50 hoặc 60 mặc quần áo lòe loẹt, sặc sỡ như lứa tuổi 20 cả ngày là điều không phù hợp. Có thể ở lứa tuổi này họ muốn ăn mặc trẻ trung một chút nhưng nếu có sự chênh lệch quá lớn thì đó lại trở thành “thảm họa”. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh. Bạn nghĩ rằng đối tác dễ bị thuyết phục nếu như mặc quần áo lòe loẹt, không phù hợp để bàn công việc? Trở thành người thanh lịch chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng người có EQ cao thì họ làm được điều đó.

4. Kiểu tóc

Kiểu tóc cũng là biểu tượng cho hình ảnh của một người. Một người có EQ cao rất chú trọng đến hình ảnh bản thân và khi nói về kiểu tóc, trước tiên người này sẽ xem xét làm thế nào để tạo điểm nhấn cho mình, thay vì chỉ ra hiệu cắt tóc.

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Chẳng nhẽ điều này lại quan trọng? Chú trọng tới hình ảnh bản thân chính là thỏa mãn thị giác của người khác, sống thế có lợi ích gì? Thực tế, bạn có thể để kiểu tóc nào mình thích, nói gì mình muốn khi sống cô lập, không cần bạn bè, đồng nghiệp hay công việc. Nhưng nếu vẫn đang sống trong một môi trường xã hội đòi hỏi sự tương tác thì việc tuân thủ các quy tắc xã hội là điều cần phải làm. Chỉ có người EQ thấp mới thích làm gì tùy ý. Còn những người EQ cao sẽ xem xét tình hình chung và hy sinh một số ý thích của bản thân để thực hiện lý tưởng của họ. Vì vậy, kiểu tóc cũng trở thành một “màn trình diễn” của trí tuệ cảm xúc.

Mỗi người trên thế giới đều có cá tính riêng của mình, không ai có thể giống nhau hoàn toàn. Nhưng trí tuệ cảm xúc quả thực có thể mang lại những tác động khác nhau cho con người. Những người có chỉ số EQ cao tương đối dễ mến và cơ hội thành công cao hơn. Những người có chỉ số EQ thấp nhìn chung thường không tạo được ấn tượng tốt vì họ quá ích kỷ, vì vậy cơ hội thành công sẽ thấp hơn.

Nguồn: VN Express

Tinggalkan Balasan

Alamat email Anda tidak akan dipublikasikan. Ruas yang wajib ditandai *